Hồ nước mang màu hồng tự nhiên không phải điều hiếm thấy trên thế giới. Tuy nhiên, nước đột nhiên chuyển hồng lại là hiện tượng bất thường. Gần đây, một hồ nước ở Hawaii, Mỹ, đã xuất hiện hiện tượng trên, và các nhà khoa học Úc cho biết tình trạng tương tự có thể xảy ra ở quốc gia này.

Một số chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu sẽ thực sự khiến các hồ nước chuyển sang màu hồng trên khắp thế giới. Tại Hawaii, nhân viên Cục Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ tại Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia hồ Keālia đã theo dõi màu nước hồng bất thường tại đây kể từ ngày 30/10/2023.

Bret Wolfe, người quản lý khu bảo tồn, ban đầu lo ngại rằng màu nước như vậy là dấu hiệu của tảo độc nở hoa, hiện tượng tảo sinh sản với số lượng lớn trong nước đến mức làm mất màu nước. Thế nhưng, phân tích sơ bộ cho thấy tác nhân là halobacterium – một vi khuẩn đơn bào, ưa muối.

Những vi khuẩn này đã khiến nhiều vùng nước khác chuyển thành màu hồng, như phần phía bắc của Hồ Muối Lớn, bang Utah. Hồ này bị ngăn đôi từ những năm 1950 bởi một con đường đắp cho đường sắt chạy qua. Công trình khiến phần hồ ở phía Bắc không được tiếp thêm nước ngọt, nâng cao nồng độ muối của nó lên trung bình 26 - 30% (gấp đôi phần hồ ở phía Nam), và khiến nơi đây trở thành môi trường hấp dẫn cho tảo màu hồng cam (Dunaliella salina) và vi khuẩn màu hồng tím (Halobacterium Halococcus).

Trong khi đó, màu hồng bất thường tại hồ Keālia dường như liên quan tới hạn hán. Kể từ ngày 19/12/2023, phần lớn khu vực đảo Maui đã trải qua tình trạng khô hạn bất thường cho tới hạn hán nghiêm trọng. Thông thường, dòng Waikapu chảy vào hồ khiến mực nước dâng cao và giảm độ mặn. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra trong một thời gian dài. Độ mặn tại cửa xả hồ Keālia hiện lớn hơn 70 phần nghìn - gấp đôi độ mặn của nước biển.

Trên thế giới còn rải rác nhiều hồ khác chuyển sang màu hồng một cách tự nhiên. Hồ Retba ở Sénégal, Salinas de Torrevieja ở Tây Ban Nha và một số hồ ở phía nam Tây Úc đều có màu nước hồng do vi khuẩn sống trong đó tạo thành.

Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia hồ Keālia. Nguồn: Val Matsunaga
Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia hồ Keālia. Nguồn: Val Matsunaga

Cảnh tượng tuy thật ngoạn mục, song hiện tượng này gia tăng lại có thể là dấu hiệu của tình trạng nhiệt độ ấm lên và các điều kiện khô hạn hơn do biến đổi khí hậu. Hai tác động này cũng có thể khiến nước hồ mặn hơn. Vì thế, ở Tây Úc, các nhà khoa học dự đoán sẽ xuất hiện nhiều hồ màu hồng hơn.

Những hồ nước có độ mặn cao như vậy sẽ gây ảnh hưởng tới các loài động vật, như những loài chim di trú kiếm ăn ở đó – mặc dù những con chim tại hồ Keālia dường như không gặp nguy hiểm do màu nước thay đổi.

“Điều mà chúng ta chưa biết là những sinh vật này có thể thích ứng với môi trường thay đổi nhanh như thế nào. Thực sự cần nghiên cứu sâu hơn về những động vật này, bởi vì ta không có đủ hiểu biết về hệ sinh thái của chúng, những điều tác động quan trọng tới việc bảo tồn chúng”, theo chuyên gia hệ sinh thái hồ nước mặn Angus Lawrie tại Đại học Murdoch.

Nguồn: